Giới phân tích: Diễn biến ‘khó lường’ đang xảy ra trên thị trường tài chính Mỹ sẽ buộc Fed phải kết thúc chiến dịch nâng lãi suất lên mức lịch sử
Một số chiến lược gia chỉ ra rằng, diễn biến này của thị trường trái phiếu chính phủ có tác động tương đương với 2 hoặc 3 lần tăng lãi suất của Fed.
Trong suốt hơn 1 năm qua, các quan chức Fed đã nói rằng việc kiểm soát lạm phát có thể buộc họ phải duy trì mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn so với dự kiến.
Đà tăng nhanh chóng của lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn – từ 4% vào đầu tháng 8 lên khoảng 5% ở thời điểm hiện tại, cho thấy Phố Wall dường như đồng tình với quan điểm trên. Do đó, chi phí đi vay đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ đã tăng lên, dấu hiệu cho thấy Fed có thể sẽ tạm dừng đợt tăng lãi suất kỷ lục này.
Vì nền kinh tế tăng trưởng vững chắc có nguy cơ cản trở xu hướng giảm của lạm phát, nên tác động của các đợt tăng lãi suất với nền kinh tế sẽ trở thành chủ để “nóng” trong cuộc họp chính sách sắp tới. NHTW dự kiến sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao nhất 22 năm.
“Cú sốc” từ lãi suất tăng cao
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu tăng cao có thể khiến điều kiện tài chính bị thắt chặt, thể hiện qua việc giá cổ phiếu sụt giảm, đồng USD mạnh hơn và chênh lệch lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ với lãi suất cho vay tư nhân.
Chi phí đi vay cao hơn có thể giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, song lại phụ thuộc vào lý do thúc đẩy. Lợi suất trái phiếu có thể tăng vì nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất ngắn hạn nhiều lần để kiềm chế lạm phát hoặc họ cho rằng lạm phát sẽ tăng. Đây là 2 trường hợp mà thị trường đặt ra trong suốt 2 năm qua.
Nếu lợi suất trái phiếu cao hơn đang khiến điều kiện tài chính bị thắt chặt, vì nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn, thì Fed có thể phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc này có nguy cơ lại thúc đẩy lạm phát.
Dẫu vậy, các quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, không cho rằng đó là nguyên nhân khiến TTCK bị bán tháo gần đây.
Điều này cho thấy diễn biến của lợi suất trái phiếu chính phủ được thúc đẩy bởi “term premium” (chi phí bù thêm vào lợi suất để bù đắp rủi ro lạm phát, lãi suất, thanh khoản hoặc về mặt lý thuyết là chính phủ vỡ nợ) tăng lên. Ông Powell cho biết, term premium cao hơn có thể “thay thế” cho việc Fed tăng lãi suất trong ngắn hạn, dù giọng điệu của ông chưa thực sự dứt khoát.
Shamik Dhar, nhà kinh tế trưởng tại BNY Mellon Investment Management, cho biết: “Thị trường trái phiếu đang thể hiện việc thắt chặt điều kiện tài chính như Fed mong muốn. Do đó, NHTW sẽ thận trọng hơn một chút.”
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank dự đoán rằng việc lợi suất trái phiếu tăng từ tháng 9, cùng các điều kiện tài chính bị thắt chặt sẽ khiến hoạt động kinh tế giảm 0,6 điểm phần trăm trong năm tới. Tức là tương đương với việc 3 lần tăng lãi suất trong 1 quý.
Phân tích tương tự của Tilda Horvath, cựu chuyên gia kinh tế của Fed, cho thấy đợt tăng gần đây của term premium có thể có tác động tương đương với việc Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.
Tại cuộc họp chính sách vào tháng 7/2013, các chuyên gia kinh tế đã nói với quan chức Fed rằng việc lợi suất trái phiếu 10 năm tăng liên tục ở mức 0,75 điểm phần trăm có thể tương đương với việc lãi suất chuẩn thấp hơn 0,6 điểm phần trăm, dựa theo dự báo cơ bản trong 2,5 năm tiếp theo.
Điều gì khiến thị trường trái phiếu chính phủ biến động?
Trong những tháng gần đây, các chiến lược gia đã chỉ ra 4 yếu tố khiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Đầu tiên, đó là những dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế vững chắc hơn trong mùa hè này. Qua đó, nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với dự đoán trước đây.
Dhar nhận định: “Những gì chúng ta chứng kiến trong tháng qua là thị trường nhận ra rằng lạm phát vẫn là một vấn đề khó giải quyết. Fed đã chỉ ra mối rủi ro này trong một thời gian dài, nhưng suốt một thời gian, thị trường không chú tâm đến điều đó hoặc ít nhất là không nhìn nhận một cách nghiêm túc.”
Thứ hai đó là các yếu tố về kỹ thuật đã khiến đà bán tháo trên Phố Wall trở nên căng thẳng hơn. Khi lãi suất qua đêm cao hơn lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn kể từ cuối năm ngoái, nhà đầu tư phải trả nhiều tiền hơn khi sở hữu một chứng khoán kỳ hạn dài so với lợi nhuận họ thu về. Đây là gọi là trạng thái chênh lệch âm (negative carry).
Nhà đầu tư có thể sẵn sàng chấp nhận trạng thái này trong 6 tháng nếu họ cho rằng lợi suất sau đó có thể giảm, do Fed sẽ hạ lãi suất hoặc nền kinh tế suy yếu. Tuy nhiên, viễn cảnh chênh lệch âm kéo dài 12-18 tháng lại khiến họ ngần ngại trong việc nắm giữ chứng khoán có thời hạn dài.
Yếu tố thứ 3 là tâm lý lo ngại về việc nguồn cung trái phiếu kho bạc kỳ hạn dài cao hơn. Đây là diễn biến cần thiết để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ, song diễn ra cùng thời điểm mà nhà đầu tư kết luận rằng nhu cầu đối với loại chứng khoán này cũng có thể thấp hơn.
Vào tháng 8, việc Bộ Tài chính Mỹ phát hành thêm chứng khoán có kỳ hạn dài hơn, Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ và các dự đoán về việc nhu cầu với trái phiếu chính Mỹ sụt giảm có thể đã khiến nhà đầu tư cân nhắc về rủi ro khi nắm giữ trái phiếu dài hạn.
Cuối cùng, một số nhà đầu tư có tểh kết luận rằng, dù Fed và các NHTW có thể hạ nhiệt lạm phát trong ngắn hạn, thì những biến động lớn hơn với CPI sẽ khiến trái phiếu không còn là loại tài sản an toàn như trước đây.
Trong 3 thập kỷ qua, xu hướng toàn cầu hoá và đổi mới công nghệ là động lực giúp lạm phát không tăng nóng. Tiff Macklem, Thống đốc NHTW Canada, cho biết: “Trong một thế giới có nhiều mâu thuẫn hơn, giá năng lượng có thể tăng mạnh và chuỗi cung ứng có khả năng lại gặp gián đoán, lạm phát của cả thế giới sẽ bị đẩy lên cao.”
Và để đạt được mục tiêu lạm phát, các NHTW sẽ phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn.
Nguồn: WSJ