Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong một phiên giao dịch đầy biến động ngày 04/04. Đà tăng vọt giá dầu và lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc hạ lãi suất cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/04, chỉ số Dow Jones rớt 530.16 điểm (tương đương 1.35%) xuống 38,596.98 điểm. Chỉ số này đã trải qua phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023 và ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Chỉ số S&P 500 mất 1.23% còn 5,147.21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.40% xuống 16,049.08 điểm.
3 chỉ số chính đều giảm mạnh vào cuối phiên, sụt hơn 2% so với mức đỉnh trong phiên. Biên độ dao động trong phiên của Dow Jones có lúc vượt hơn 860 điểm.
Giá dầu tăng vọt vào giữa trưa, trùng hợp với sự quay đầu của cổ phiếu vào ngày thứ Năm. Giá dầu WTI vượt 86 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, làm dấy lên lo ngại về giá năng lượng góp phần thúc đẩy lạm phát.
Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis, Neel Kashkari, cũng nhận định vào chiều ngày thứ Năm rằng ông tự hỏi liệu ngân hàng trung ương có nên hạ lãi suất hay không nếu lạm phát vẫn ở mức cao, góp phần vào một loạt phát biểu gần đây của các quan chức Fed nói một cách thận trọng về chính sách. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ mức đáy trong phiên nhờ nhận định của ông Kashkari, khép phiên giao dịch ở mức 4.305%. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tích tắc chạm mức 4.429% vào ngày 03/04, mức đỉnh mới trong năm.
Từ đầu tuần đến nay, S&P 500 đã giảm 2%, với 3/4 phiên chìm trong sắc đỏ. Dow Jones sụt 3% từ đầu tuần đến nay, còn Nasdaq Composite mất 2%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 03/04 đã khẳng định rằng mặc dù vẫn còn dư địa để hạ lãi suất trong năm nay, nhưng các nhà hoạch định chính sách sẽ cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang tiến về mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trước khi lãi suất có thể giảm.
Báo cáo việc làm quan trong tháng 3 của Mỹ sẽ công bố vào ngày 05/04. Một báo cáo việc làm quá nóng có thể thúc đẩy lợi suất hơn nữa và gây áp lực buộc Fed phải duy trì lãi suất cao hơn.
Nguồn:CNBC