Làn sóng phá sản và vỡ nợ doanh nghiệp đang diễn ra ngày càng dữ dội hơn trong môi trường lãi suất cao kéo dài. Các chuyên gia cảnh báo xác suất suy thoái ngày càng cao khi lãi suất giáng đòn nặng nề tới cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Tính tới tháng 8/2023, 459 công ty đã nộp đơn phá sản, theo S&P Global. Con số này còn cao hơn tổng lượng công ty phá sản của hai năm 2021-2022.
Không chỉ ở Mỹ, làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu. Đây là một tín hiệu cho thấy lãi suất cao đang gây sức ép cho giới doanh nghiệp. Trong tháng 8/2023, toàn cầu có 107 vụ vỡ nợ doanh nghiệp, đánh dấu tháng cao nhất kể từ năm 2009, theo một báo cáo khác của S&P Global.
Collin Martin, Giám đốc và chiến lược gia thu nhập cố định tại Charles Schwab, ước tính rằng trong năm 2023, chi phí đi vay của một số công ty đã tăng gấp đôi hoặc gần gấp ba so với những năm trước, gây thiệt hại nặng nề cho bảng cân đối kế toán của công ty.
Điều này được thể hiện ở đà tăng của lợi suất trái phiếu doanh nghiệp dưới hạng đầu tư (investment grade) lên 9% tỏng tháng này, theo chỉ số trái phiếu lợi suất cao của BofA.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 4.8% trong ngày 06/10, cao nhất trong 16 năm.
“Khi các công ty tìm cách xoay sở bảng cân đối kế toán và tìm cách phát hành hoặc tái tài trợ nợ, họ buộc phải phát hành nợ với mức lãi suất cao hơn nhiều so vưới quá khứ. Đây là đòn giáng tới lợi nhuận. Phần lãi vay phải trả ngày càng cao, trong khi doanh thu lại giảm tốc”, ông Martin chia sẻ.
Vị chuyên gia này cho rằng môi trường hiện tại cực kỳ khó với các công ty xác sống (zombie). Những công ty này không hề có đủ tiền mặt để trả nợ.
Nhiều công ty xác suất đã tồn tại được trong bối cảnh lãi suất cực thấp, khi chi phí đi vay về gần múc 0% và các công ty đảo nợ, tái tài trợ tương đối dễ dàng.
Tuy nhiên, môi trường lãi suất đã thay đổi và là một phần nguyên nhân gây căng thẳng cho các doanh nghiệp.
Fitch Ratings dự báo tỷ lệ vụ vỡ nợ trái phiếu lợi suất cao sẽ tăng lên 4.5%-5% vào cuối năm nay, cao gấp 6 lần so với tỷ lệ vỡ nợ trong năm 2021.
Lo sợ suy thoái
Charles Schwab ước tính số lượng vụ vỡ nợ và phá sản nhiều khả năng sẽ tăng cho tới năm 2024. Số lượng vỡ nợ và phá sản tại Mỹ có thể đạt đỉnh vào cuối quý 1/2024.
Bên cạnh đó, đà tăng của số vụ vỡ nợ và phá sản sẽ là một trong những “cơn gió ngược” đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Với các công ty đang vật lộn với việc phá sản hoặc có núi nợ lớn, họ có thể cắt giảm lao động để trở lại tình trạng tài chính lành mạnh. Đây cũng sẽ là yếu tố tiêu cực với giá tài sản, nhất là với các trái phiếu lợi suất cao, các khoản vay ngân hàng và cũng có thể lan sang cổ phiếu.
Nguồn: Business Insider