Hai yếu tố quan trọng có thể quyết định lộ trình lãi suất tương lai của FED
Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố 2 báo cáo quan trọng trong tuần này. Chúng được dự đoán giúp các nhà đầu tư xác định hướng đi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian sắp tới.
Hai báo cáo quan trọng sẽ công bố trong tuần này
Thị trường đang ngày càng có xu hướng giảm sự tin tưởng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất. Đây được coi là một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán, theo CNBC.
Được biết, hai báo cáo kinh tế công bố trong tuần này có thể sẽ giúp nhà đầu tư xác định hướng đi của các nhà hoạch định chính sách cũng như phản ứng của thị trường khi chính sách tiền tệ thay đổi.
Trước hết, các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn đầu tiên về bức tranh toàn cảnh về tăng trưởng kinh tế quý IV/2023 khi Bộ Thương mại Mỹ công bố ước tính GDP vào thứ 5 ngày 25/1 (theo giờ Mỹ).
Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự đoán tăng trưởng GDP trong ba tháng cuối năm 2023 đạt 1,7%. Đây sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi GDP giảm 0,6% vào quý II/2022.
Một ngày sau, Bộ Thương mại nước này cũng sẽ công bố số liệu tháng 12 của chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Các chuyên gia dự đoán PCE lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) sẽ tăng 0,2% so với tháng trước và 3% so với cùng kỳ năm trước.
Cả hai báo cáo đều sẽ thu hút sự chú ý, đặc biệt trong bối cảnh dữ liệu lạm phát vốn đang có xu hướng quay về mức mục tiêu 2% của Fed nhưng vẫn chưa đạt được.
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm 19/1 rằng: “Dữ liệu là thứ mọi người nên theo dõi để xác định lộ trình lãi suất của Fed sẽ diễn ra như thế nào. Đây không phải điều gì bí mật, về cơ bản vấn đề quan trọng hàng đầu là dữ liệu. Nếu có bằng chứng rõ ràng rằng lạm phát đang trên đường trở về mức mục tiêu thì chúng tôi có thể sẽ nới lỏng chính sách”.
Số lần cắt giảm lãi suất sẽ ít hơn?
Hai báo cáo được công bố giữa lúc thị trường đang điều chỉnh kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất.
Tính đến chiều ngày thứ 6 tuần trước (theo giờ Mỹ), dữ liệu của CME Group cho thấy về cơ bản các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 30 – 31/1 sắp tới. Điều này không có gì mới, nhưng khả năng Fed hạ lãi suất lần đầu vào tháng 3 đã giảm mạnh từ mức 81% một tuần trước xuống chỉ còn 47,2%.
Cùng với đó, các nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 5 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm nay. Trước đó, họ kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm 6 lần.
Sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư xảy ra sau khi dữ liệu cho thấy mức tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cao hơn dự kiến – 0,6% trong tháng 12 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022.
Ngoài ra, một số đồng nghiệp của ông Goolsbee như Thống đốc Christopher Waller, Chủ tịch chi nhánh New York John Williams và Chủ tịch chi nhánh Atlanta Raphael Bostic đã phát tín hiệu rằng ít nhất họ không vội vàng hạ lãi suất ngay cả khi chính sách tăng lãi suất đã xong.
“Tôi không thích bị trói buộc và chúng tôi vẫn còn nhiều báo cáo kinh tế khác. Hãy nhìn xa hơn. Nếu chúng tôi tiếp tục đạt được những tiến bộ bất ngờ về lạm phát, chúng tôi sẽ tính đến những dữ kiện này khi xác định mức độ thắt chặt của chính sách”, ông Goolsbee nhận định.
Vị quan chức cũng lưu ý rằng khía cạnh mà ông đặc biệt quan tâm là lạm phát nhà ở. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 cho thấy chi phí nhà ở đã tăng 6,2% so với một năm trước, quá cao để lạm phát quay về mức 2%.
Tuy nhiên, vẫn có những khía cạnh khác cần được xem xét. Một chỉ số mới của Bộ Lao động Mỹ được gọi là Chỉ số giá thuê nhà mới cho thấy lạm phát nhà ở có xu hướng giảm. Chỉ số cho thấy mức giảm 4,6% trong quý IV năm 2023 so với một năm trước và cao hơn gấp đôi so với quý đó.
Các yếu tố tiềm ẩn
Trong một báo cáo gần đây, nhà kinh tế Andrew Hollenhorst của Citigroup nhận định: “Trong tương lai gần, chúng tôi cho rằng dữ liệu lạm phát sẽ giúp Fed trở nên ôn hoà hơn”. Tuy nhiên, Citi cũng dự đoán áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng và có khả năng sẽ trì hoãn đợt giảm lãi suất đầu tiên cho đến ít nhất là tháng 6.
Và hiện tại, cũng không rõ thời điểm cắt giảm sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào hoặc sẽ ra sao nếu Fed chỉ cắt giảm 4 hoặc 5 lần so với kỳ vọng cao của thị trường.
Nhưng có thể thấy có rất nhiều yếu tố có thể làm thay đổi triển vọng chính sách theo cả hai hướng. Chẳng hạn, việc thị trường chứng khoán tiếp tục tăng mạnh có thể khiến Fed lo ngại rằng lạm phát có thể tăng trong tương lai. Hay căng thẳng địa chính trị leo thang hoặc tăng trưởng kinh tế tốt hơn kỳ vọng cũng có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ nhiều hơn và thận trọng hơn.
Komal Sri-Kumar, Chủ tịch của Sri-Kumar Global Strategies nhận định rằng: “Những diễn biến kinh tế và địa chính trị này có thể khiến lạm phát đi lên, gây áp lực lên cả lãi suất ngắn hạn và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn. Liệu Fed có bị buộc phải tăng lãi suất quỹ liên bang thay vì cắt giảm lãi suất hay không? Đây là một ý nghĩ thú vị. Đừng ngạc nhiên nếu thấy các quan chức thảo luận theo hướng này trong những tháng tới”.
Nguồn: CNBC