Chỉ số sản xuất là một dấu hiệu khác cho thấy sức mạnh không hề nao núng của nền kinh tế Mỹ.
Kỳ vọng của thị trường trái phiếu về việc cắt giảm lãi suất từ tháng 6 đã bị tác động bởi dữ liệu sản xuất mới công bố hôm 1/4. Cụ thể, chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) trong tháng 3 đã tăng 2,5 điểm lên 50,3 điểm, vượt mọi ước tính của các nhà kinh tế. Sản lượng tăng mạnh và số đơn đặt hàng mới đã thúc đẩy chỉ số này phục hồi trở lại sau 16 tháng suy giảm.
Giống như các dữ liệu trước đó, chỉ số sản xuất là một dấu hiệu khác cho thấy sức mạnh không hề nao núng của nền kinh tế Mỹ. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng ngân hàng trung ương đảo chiều chính sách hiện tại.
Sau khi báo cáo ISM được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn đã ghi nhận mức tăng trong ngày cao nhất trong năm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 30 năm đều tăng khoảng 13 điểm cơ bản. Lợi suất tăng lên khi các nhà giao dịch trái phiếu không còn kỳ vọng nhiều vào việc sớm cắt giảm lãi suất, gây ra một làn sóng bán tháo trên thị trường.
Trong khi đó, các hợp đồng hoán đổi cho thấy chính sách tiền tệ sẽ giảm dưới 65 điểm cơ bản trong năm nay. Con số này thấp hơn dự đoán của chính FED.
CME Fedwatch Tool theo dõi dữ liệu thị trường tương lai cũng cho thấy các nhà đầu tư đang mất dần niềm tin vào mốc tháng 6. Chưa đến 57% kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào thời điểm đó. Hai tuần trước, 60% dự đoán FED sẽ cắt giảm vào tháng 6.
Về phần mình, FED vẫn tin rằng việc cắt giảm lãi suất là có thể thực hiện được. Báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân mới nhất như dự đoán, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù Chủ tịch FED Jerome Powell lưu ý rằng đây là điều mà ngân hàng trung ương muốn thấy, nhưng nền tảng vững chắc của nền kinh tế khiến họ không có nhiều động lực để vội vàng cắt giảm lãi suất.
Cựu Phó Chủ tịch Roger Ferguson cho biết: “Lạm phát trong vài tháng vẫn cao hơn một chút so với kỳ vọng. Tôi nghĩ hiện tại cần phải chờ và theo dõi. Dữ liệu có thể chắc chắn hơn và họ có thể không cắt giảm”.
Nguồn : BI