FED giữ nguyên lãi suất, dự kiến 3 lần cắt giảm trong năm 2024

Lần thứ ba liên tiếp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất ổn định. Lần này, FED phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ đã kết thúc chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ và dự kiến thực hiện một loạt đợt cắt giảm vào năm 2024.

Quyết định giữa nguyên lãi suất

Các quan chức nhất trí giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang trong phạm vi 5,25% – 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001. Lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, các nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo sẽ không tăng thêm lãi suất.

FED giữ nguyên lãi suất, dự kiến 3 lần cắt giảm trong năm 2024, Dow Jones tăng bốc hơn 400 điểm, lập đỉnh mới - Ảnh 1.

Lãi suất mục tiêu của FED. Nguồn: CNBC/FED New York

Cùng với quyết định giữ nguyên lãi suất, các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dự kiến ít nhất sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Số lần cắt giảm này thấp hơn dự đoán 4 lần của thị trường, nhưng mạnh mẽ hơn những gì các quan chức chỉ ra trước đó.

Biểu đồ dot plot về dự đoán của từng quan chức cho thấy năm 2025 sẽ có thêm 4 lần cắt giảm với 1 điểm phần trăm. Trong năm 2026, ba lần cắt giảm nữa sẽ đưa lãi suất quỹ liên bang xuống phạm vi từ 2% – 2,25%.

FED giữ nguyên lãi suất, dự kiến 3 lần cắt giảm trong năm 2024, Dow Jones tăng bốc hơn 400 điểm, lập đỉnh mới - Ảnh 2.

Biểu đồ dot plot tháng 12 của FED

Dự báo lạm phát

“Lạm phát đã giảm từ mức cao kỷ lục và điều này xảy ra mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng đáng kể. Đó là một tin rất tốt”, Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo.

Sau cuộc họp, ủy ban đã bổ sung thêm rằng lạm phát đã “giảm bớt trong năm qua”, trong khi vẫn đánh giá quy mô giá cả là “tăng cao”. Các quan chức FED nhận thấy lạm phát lõi (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) sẽ giảm xuống 3,2% vào năm 2023 và 2,4% vào năm 2024, sau đó xuống 2,2% vào năm 2025. Cuối cùng, nó sẽ quay trở lại mục tiêu 2% vào năm 2026.

Các thành viên ủy ban đã nâng tăng trưởng GDP lên 2,6% hàng năm vào năm 2023, tăng nửa điểm phần trăm so với lần cập nhật gần đây nhất vào tháng 9. Các quan chức dự đoán GDP năm 2024 sẽ ở mức 1,4%, hầu như không thay đổi so với dự đoán trước đó. Các nhà hoạch định chính sách cũng giữ nguyên dự báo thất nghiệp ở mức 3,8% trong năm 2023 và tăng lên 4,1% trong những năm tiếp theo.

Quyết định xoay trục chính sách được mong chờ bấy lâu nay của FED phản ánh áp lực giá cả đã nhẹ đi rõ rệt so với giai đoạn giữa năm cũng như tình hình hạ nhiệt của thị trường lao động.

Thách thức đối với các quan chức FED lúc này là quyết định thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nếu thực hiện quá sớm, mục tiêu đưa lạm phát trở về mức 2% có thể bị ảnh hưởng.

Các quan chức đã cam kết sẽ duy trì lãi suất ở mức cao đủ lâu để đảm bảo lạm phát trở về mức mục tiêu. Nhiều người trên thị trường cho rằng quá trình này sẽ không mất nhiều thời gian, vì thế FED có thể sẽ cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3.

Phát biểu của Thống đốc FED Christopher Waller giúp củng cố suy đoán này. Vào tháng 11, ông cho biết rằng ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng xem xét việc hạ lãi suất chính sách khi lạm phát giảm. Điều này có thể xảy ra trong 3 đến 5 tháng tới.

Thị trường phản ứng mạnh mẽ sau cuộc họp FED

Sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc trong những tuần gần đây đã xóa sạch phần lớn đà tăng trong suốt mùa hè cho đến tận tháng 10. Vào thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc thắt chặt các điều kiện tài chính có thể giúp giảm bớt nhu cầu tăng thêm lãi suất.

Sự đảo ngược hoàn toàn bắt đầu lan khắp nền kinh tế dưới hình thức lãi suất thế chấp hạ thấp, từ đó thúc đẩy nhu cầu vay và mua nhà. Các công ty cũng tận dụng được điều này để đi vay với chi phí rẻ hơn.

FED giữ nguyên lãi suất, dự kiến 3 lần cắt giảm trong năm 2024, Dow Jones tăng bốc hơn 400 điểm, lập đỉnh mới - Ảnh 3.

Chủ tịch FED Jerome Powell

Trong các bình luận hồi đầu tháng 12, Chủ tịch FED Jerome Powell đã bác bỏ kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất trong quý đầu tiên của năm tới.

“Sẽ còn quá sớm để tự tin kết luận rằng chúng ta đã siết đủ chặt hoặc suy đoán khi nào chính sách có thể được nới lỏng”, ông Powell cho biết vào ngày 1/12.

Ông và các nhà hoạch định chính sách khác lưu ý rằng con đường đưa lạm phát trở về mức 2% có thể sẽ “gập ghềnh”. Vì thế, họ cần có đủ bằng chứng cho thấy giá cả giảm trước khi quyết định nới lỏng chính sách.

Ngân hàng trung ương hiện đã trải qua 12 cuộc họp mà không có phiếu phản đối. Đây khoảng thời gian dài nhất kể từ giai đoạn 17 cuộc họp từ năm 2003 đến năm 2005.

FED giữ nguyên lãi suất, dự kiến 3 lần cắt giảm trong năm 2024, Dow Jones tăng bốc hơn 400 điểm, lập đỉnh mới - Ảnh 4.

Sau tin tức FED sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự báo, Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng vọt hơn 400 điểm, lập kỷ lục mới trong phiên ngày 13/12.

Cụ thể, tính đến 3h15 sáng ngày 14/12 theo giờ Hà Nội, Dow Jones tăng 419 điểm, tương đương 1,1 %, lần đầu tiên vượt đỉnh 37.000 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1%, dẫn đầu là cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Trong khi đó, Nasdaq Composite cũng tăng 1,1%.

Trước sự chênh lệch giữa lãi suất quỹ liên bang và lạm phát tăng cao, FED có thể hành động nhiều hơn nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục có dấu hiệu tích cực.

Nguồn : Bloomberg, CNBC

Scroll
091.888.5651
0918885651