“Đây là những gì xảy ra trước khi bước vào thời kỳ suy thoái. Mọi thứ trông có vẻ ổn thoả, nhưng đột nhiên lại thay đổi”, chuyên gia thuộc công ty quản lý tài sản Robeco nhận định.
Các cổ phiếu đang tăng ở mức kỷ lục. Đây không phải là mối lo ngại chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Nhưng sau 3 năm đại dịch bùng phát, đà phục hồi của chứng khoán trở thành nỗi lo của thị trường, trong bối cảnh FED đang nỗ lực hoàn thành giai đoạn cuối trong chuỗi tăng lãi suất của mình.
Chiến lược gia đa tài sản Colin Graham tại công ty Robeco cho biết: “Vẫn còn nhiều tiền trôi nổi trong nền kinh tế. Họ sẽ phải tăng tốc thắt chặt định lượng (QT) hoặc tăng mạnh lãi suất để thanh khoản cạn nhanh hơn”.
Thắt chặt định lượng QT (Quantitative Tightening), hay còn gọi là bảng cân đối kế toán, là công cụ cốt lõi để chống lạm phát của FED. Nó vốn đã tăng lên gần 9.000 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch. Sau đó, bảng cân đối kế toán của FED đã thu hẹp xuống còn khoảng 8.300 nghìn tỷ USD khi trái phiếu đáo hạn.
Trong khi đó, theo “hiệu ứng của cải”, các hộ gia đình trở nên giàu hơn khi giá cổ phiếu tăng, từ đó thúc đẩy chi tiêu. Lãi suất thấp trong thời kỳ đại dịch cũng khuyến khích chủ sở hữu bất động sản và doanh nghiệp vay mượn ồ ạt. Đó là những bước đệm cho các đợt tăng lãi suất của FED kể từ năm 2022.
Nhà kinh tế học cấp cao Sal Guatieri tại BMO Financial Group cho biết: “Thị trường chứng khoán tiếp tục thăng hoa. Nếu giá nhà và chứng khoán tiếp tục tăng, chúng ta có thể đối mặt với các điều kiện tài chính lỏng lẻo hơn, và có thể khiến công việc của FED nhìn chung trở nên khó khăn hơn”.
Ông nói thêm rằng điều đó có nghĩa là cần phải tăng lãi suất cao hơn nữa, làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế hạ cánh cứng.
Liệu có thêm một lần tăng lãi suất nữa?
FED đã đạt được bước tiến đầy triển vọng trong việc giảm lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 9,1% vào năm 2022. Mục điêu của FED là đưa tỷ lệ lạm phát về mức 2%.
Giám đốc chiến lược vốn chủ sở hữu Don Townswick tại công ty Conning cho rằng FED có công việc khó khăn hơn thường lệ và cuối cùng nỗ lực của họ dường như đã phát huy tác dụng. Đó là lý do tại sao thị trường hoạt động tốt.
Điều này cũng giúp lợi nhuận quý hai của các công ty phần lớn được giữ vững, mặc dù là do kỳ vọng được hạ thấp. Giám đốc Townswick nhấn mạnh rằng ông chưa thấy nền kinh tế hạ xuống mức âm. Thậm chí, Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái trong gang tấc.
Lãi suất tăng và điều kiện tài chính thắt chặt lại không phải là tín hiệu tốt cho danh mục đầu tư chứng khoán. Kể từ năm 1970, hầu hết các chu kỳ thắt chặt thường dẫn đến suy thoái.
FED đã tăng lãi suất lên mức 5% – 5,25% chỉ trong vòng 16 tháng. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2007. Nhiều chuyên gia và nhà phân tích dự đoán ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và sau đó dừng lại.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn đang chuẩn bị tâm lý cho những điều tệ nhất. Lợi nhuận năm nay đã có khởi sắc so với đợt bán tháo khốc liệt năm 2022. Trái phiếu đã tạo ra lợi suất hấp dẫn. Nhiều người cũng lạc quan rằng nền kinh tế Mỹ có khả năng vượt qua suy thoái.
Chiến lược gia đầu tư cấp cao Charlie Ripley tại Allianz Investment Management cho biết FED chỉ cần cân bằng là có thể kiểm soát được suy thoái, hoặc cho thêm thời gian để các đợt tăng lãi suất phát huy tác dụng.
Ông cũng dự đoán chi tiêu của người tiêu dùng sẽ gặp trở ngại trong các quý tới. Chiến lược gia lưu ý đến một số cổ phiếu, đặc biệt là của những công ty thúc đẩy các chỉ số chính. Chẳng hạn, cổ phiếu Tesla đã giảm 7,6% trong tuần qua sau báo cáo tài chính.
Kết quả cuộc họp tháng 7 của FED sẽ là sự kiện quan trọng sắp tới đối với thị trường. Dữ liệu sản xuất và bản cập nhật giá nhà ở Mỹ cũng sẽ là những thông tin nổi bật.