Thấy gì từ hiện tượng chỉ báo thị trường yêu thích của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đang nhấp nháy ánh đỏ? Quốc tếChứng khoán Mỹ đang được định giá quá cao, có nguy cơ lao dốc?Thủy Tiên • 04/08/2023 05:58Thấy gì từ hiện tượng chỉ báo thị trường yêu thích của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đang nhấp nháy ánh đỏ?
Theo Business Insider, chỉ báo thị trường ưa thích của huyền thoại đầu tư Warren Buffett đang nhấp nháy báo động đỏ, cho thấy chứng khoán Mỹ đang được định giá quá cao và có nguy cơ lao dốc trong thời gian tới.
Chỉ báo Buffett có công thức rất đơn giản: lấy tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Mỹ chia cho GDP Mỹ tính theo USD.
Dựa trên chỉ báo này, nhà đầu tư có thể đánh giá liệu thị trường chứng khoán đang được định giá quá cao hay quá thấp so với quy mô của nền kinh tế tại một thời điểm.
Warren Buffett nhận định giá cổ phiếu Mỹ ở mức hợp lý nếu chỉ số này ở mức 100%, giới đầu tư sẽ có lãi nếu mua vào khi chỉ số này nằm trong khoảng 70 – 80%. Ngược lại, ông cảnh báo nhà đầu tư “chơi với lửa” nếu mua vào khi chỉ số ở quanh mức 200%.
Trong 1 bài viết đăng trên tạp chí Fortune năm 2001, Buffett từng mô tả chỉ báo này “có lẽ chính là chỉ số tốt nhất ở bất kỳ thời điểm nào”.
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett. |
Trong năm nay, chỉ số Wilshire 5000 Total Market đã tăng 22%, nâng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Mỹ lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022, đạt 46,32 nghìn tỷ USD. Chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng lần lượt 19% và 37%.Trong khi đó, số liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy GDP quý 2/2023 của nước này ước tính đạt 26.840 tỷ USD. Như vậy, chỉ số Buffett tăng lên mức 171%.
Chỉ báo ưa thích của Warren Buffett đã chứng minh được giá trị của mình vào năm 2022, khi nó giảm mạnh từ mức 210% hồi tháng 1 xuống còn 150% vào tháng 9 – cũng chính là giai đoạn mà thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc thảm hại.
Tuy nhiên, tờ Business Insider cũng nhấn mạnh chỉ số Buffett không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Ví dụ, chỉ số này có vẻ khập khiễng khi so sánh giá trị hiện tại của thị trường chứng khoán so với sản lượng kinh tế trong quá khứ.
Bên cạnh đó, GDP là chỉ số không tính đến thu nhập ở nước ngoài, trong khi giá trị vốn hóa của các công ty Mỹ phản ánh hoạt động của họ ở cả trong và ngoài nước.