Chủ tịch Fed tiết lộ yếu tố thật sự khiến lạm phát vẫn ở mức cao

Điều này đang làm tổn hại đến nỗ lực của Fed nhằm giảm lãi suất xuống mốc mục tiêu 2%. Mới đây, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết rằng một số loại bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm nhà và xe hơi, đã tăng vọt trong vài năm qua. Điều này làm tổn hại đến nỗ lực của Fed nhằm giảm lãi suất xuống mốc mục tiêu 2%.

Ông cho hay: “Các loại bảo hiểm khác nhau – bao gồm bảo hiểm nhà ở, bảo hiểm ô tô và những thứ tương tự – là nguyên nhân gây ra lạm phát đáng kể trong vài năm qua”.

Ngày 12/3, dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy số liệu về phí bảo hiểm ô tô, bao gồm thiệt hại vật chất, trách nhiệm pháp lý và các khoản bảo hiểm khác cho các phương tiện hành khách cá nhân, đã tăng 20,6% trong năm qua và tăng 0,9% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, một nghiên cứu từ S&P Global Market Intelligence cho thấy bảo hiểm nhà ở đã tăng 11,3% trong năm 2023.

Nhìn chung, trong tháng trước lạm phát đã tăng cao hơn một chút so với dự kiến, ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo BLS.

Lạm phát tăng vì… biến đổi khí hậu

Những yếu tố như biến đổi khí hậu và việc giá cả của các bộ phận ô tô tăng cao đang làm tăng giá bảo hiểm, các chuyên gia cho biết.

Theo một nghiên cứu từ Bankrate, thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu đang dẫn đến rủi ro cao hơn cho các công ty bảo hiểm, buộc họ phải tăng giá.

Nghiên cứu cho biết, trong thập kỷ qua, Mỹ đã phải chịu thiệt hại kỷ lục 1,1 nghìn tỷ USD do thời tiết khắc nghiệt, mức cao nhất được ghi nhận, góp phần làm tăng chi phí bảo hiểm.

Các công ty bảo hiểm trả tiền cho những công ty tái bảo hiểm để giúp họ không rơi vào cảnh mất khả năng thanh toán trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết thảm khốc.

Nhưng do xác suất xảy ra các điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể gây hại cho nhà cửa ngày càng tăng, các công ty tái bảo hiểm đang tăng phí. Điều này khiến các công ty bảo hiểm phải chuyển khoản chi phí này sang cho khách hàng, theo Bankrate.

Ở một số khu vực có rủi ro cao nhất, các công ty bảo hiểm thậm chí còn ngừng cung cấp dịch vụ của họ hoàn toàn. “Về lâu dài,các công ty đang rút lui khỏi việc cung cấp bảo hiểm tại một số khu vực ven biển”, ông Powell cho hay. “Đó là một vấn đề quan trọng”.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ bảo hiểm ô tô cũng đang ở mức cao nhất trong gần 50 năm. “Có nhiều yếu tố gây ra điều này bao gồm thời tiết khắc nghiệt và tội phạm, cũng như bản thân những chiếc ô tô bị hư hỏng”, Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cấp cao của Bankrate nhận định.

Hamrick cho biết: “Giá xe mới tăng mạnh và độ phức tạp của những chiếc xe cũng tăng lên, khiến việc sửa chữa trở nên phức tạp và tốn kém hơn”.

Chi phí bảo dưỡng và sửa chữa xe tại các thành phố của Mỹ đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức tăng 3,2% của lạm phát.

Mặc dù một số tác động của việc tăng lãi suất là không thể tránh khỏi, Hamrick cho biết người tiêu dùng có thể cố gắng đạt được thỏa thuận tốt hơn bằng cách điều chỉnh hoặc tìm hiểu các phương án bảo hiểm khác nhau và xem xét chi phí bảo hiểm khi quyết định mua xe.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng chi phí bảo hiểm tăng cao thực sự là một tình thế thua thiệt đối với người tiêu dùng.

“Giá bảo hiểm ô tô tăng mạnh là kết quả của nhiều yếu tố bất lợi cùng xuất hiện một lúc, khiến người dùng rơi vào tình thế phải trả nhiều hơn mức họ mong đợi để được bảo hiểm”, ông bày tỏ.

Tuần tới, Fed sẽ tổ chức họp chính sách bàn về thời điểm cắt giảm lãi suất. Các quan chức cấp cao của Fed bày tỏ thái độ thận trọng và muốn có bằng chứng thuyết phục hơn cho thấy lạm phát đang quay về mốc mục tiêu 2%.

Trong hai phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed có lẽ “không còn xa” thời điểm có thể bắt đầu nới lỏng chính sách. Hiện tại, thị trường đang dự đoán tháng 6 là thời điểm Fed sẽ bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất.

Nguồn: investing.com

Scroll
091.888.5651
0918885651