Lạm phát siêu lõi cao nhất 11 tháng

Kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Mỹ đã bị lùi từ tháng 6 đến tháng 9. Lạm phát siêu lõi cao nhất 11 tháng

Báo cáo lạm phát được công bố tối qua (10/4) đã khiến nước Mỹ rung chuyển. Theo đó, lạm phát “siêu lõi” đã chạm mức 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3, cao nhất trong 11 tháng qua.

Lạm phát siêu lõi vốn là thước đo được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao bởi loại trừ những mặt hàng có độ biến động cao khỏi CPI cơ bản (như giá nhà ở, thực phẩm và năng lượng) để tìm ra xu hướng thực sự của lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho rằng lạm phát do giá nhà ở tăng cao chỉ là vấn đề tạm thời, do đó không phải là chỉ số hợp lý để đo lường mức giá cơ bản trên thị trường.

Ông Tom Fitzpatrick, Giám đốc nghiên cứu thị trường toàn cầu tại RJ O’Brien & Associates, cho biết dựa trên số liệu tính toán hàng quý, tỷ lệ lạm phát siêu lõi thậm chí hiện đã ở mức hơn 8%, vượt xa mức lạm phát mục tiêu 2%/ năm mà Fed đề ra.

Chỉ số CPI của tháng 3/2024 đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức ước tính của Dow Jones là 3,4%. Công cụ theo dõi thị trường FedWatch của CME Group cho thấy lạm phát gây áp lực đáng kể lên thị trường chứng khoán và ngay lập tức đã khiến lãi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt. Đồng thời, kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Mỹ đã bị lùi từ tháng 6 đến tháng 9.

“Về bản chất, việc đạt được mục tiêu 2% không quan trọng bằng việc Fed cần phải đưa ra các động thái để kìm hãm giá cả dịch vụ tăng vọt, điều lẽ ra nên làm sớm nhưng chưa được thực hiện”, nhà kinh tế trưởng của Santander U.S, ông Stephen Stanley nhận xét.

Mặt khác, Phố Wall lại vô cùng nhạy bén và đã “bắt mạch” được xu hướng và hành động từ đầu năm nay. Sự tăng nhẹ trong báo cáo CPI tháng 1 đã cho thấy mọi chuyện xảy ra ngược lại với tuyên bố lạc quan của FED rằng họ đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Điều đó đồng nghĩa lạm phát sẽ còn dai dẳng trong nhiều tháng tới.

Tình thế nguy hiểm

Hiện nay, Fed còn phải đối mặt với một thách thức khác khi bối cảnh kinh tế vĩ mô của vấn đề lạm phát của năm nay khác biệt so với 2 năm trước.

Những năm 2021-2022, lạm phát tăng cao là do nhu cầu và số dư thanh khoản dồi dào của người dân sau đại dịch đã kích thích tiêu dùng đại trà. Còn lạm phát ở thời điểm hiện tại chủ yếu đến từ khu vực dịch vụ, gồm các dịch vụ gắn chặt với nhu cầu của hộ gia đình như bảo hiểm xe cộ và nhà cửa cùng với thuế tài sản. Do đó, các biện pháp cắt giảm lạm phát năm nay phức tạp và khó can thiệp hơn nhiều so với lạm phát sau dịch. Điều này đặt cả Chính phủ và người dân trong thế lưỡng nan giữa việc kiểm soát lạm phát và không thể cắt giảm chi tiêu.

Thông thường, để kiểm soát tình hình lạm phát, chính phủ Mỹ có xu hướng sẽ sử dụng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, theo ông Fitzpatrick, bối cảnh hiện nay quá phức tạp để sử dụng các chính sách này bởi tỷ lệ tiết kiệm của người tiêu dùng đang suy giảm, chi phí vay mượn cao hơn khiến cho Ngân hàng Trung ương có khả năng giữ chính sách tiền tệ thắt chặt.

Fed cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hạ lạm phát với các đợt tăng lãi suất bổ sung bởi vì những nhân tố hiện tại gây lạm phát cứng đầu hơn và ít nhạy cảm hơn với các can thiệp bằng chính sách tiền tệ, ông Fitzpatrick cảnh báo. Bên cạnh đó, lạm phát vẫn trên đà tăng như hiện nay tương đương hơn với việc tăng thuế của chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, nhà kinh tế Stephen Stanley lại cho rằng Fed vẫn còn xa mới tiếp tục tăng lãi suất, nhất là khi lạm phát còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Nhìn vào những dữ liệu gần đây, kinh tế gia này cho rằng đợt lạm phát này cuối cùng sẽ hạ nhiệt và đợt cắt giảm lãi suất của FED sẽ đến muộn hơn dự kiến.

Nguồn: CNBC

Scroll
091.888.5651
0918885651