Không cần FED cắt giảm lãi suất, TTCK vẫn có thể tăng tiếp, vì sao?

Chứng khoán tăng, GDP tăng. Tất cả diễn ra mà không cần FED cắt giảm lãi suất. Điều này cho thấy có những đòn bẩy khác quan trọng hơn thúc đẩy thị trường.

Theo tỷ phú Ken Fisher, nhà sáng lập và đồng CIO của Fisher Investments, cổ phiếu thực sự không cần đến Cục Dự trữ Liên bang (FED) hạ lãi suất vào năm 2024.

Trong một video gần đây gửi cho khách hàng, tỷ phú Fisher cho biết, trong khi các thị trường vẫn đang trông đợi những đợt cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra trong năm nay, thì các nhà đầu tư thực sự đã hiểu sai về mức độ ảnh hưởng của lãi suất đến các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Ông chỉ ra sức mạnh của chứng khoán vào năm 2023. Chỉ số S&P 500 tăng hơn 20% sau khi chạm đáy vào tháng 10/2022. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn tiếp tục duy trì khả năng phục hồi, với GDP tăng 3,1% trong quý 4. Tất cả điều này diễn ra mà không có việc cắt giảm lãi suất. Điều này cho thấy có những đòn bẩy khác quan trọng hơn thúc đẩy thị trường.

Ông nói thêm: “Ta không cần phải cắt giảm lãi suất. Nửa cuối năm 2022 và 2023 đã cho thấy điều đó”.

Dù sao đi nữa, các nhà đầu tư có thể đã định giá được tác động từ việc cắt giảm lãi suất của FED đối với thị trường. Vì các động thái chính sách của FED được thảo luận rộng rãi. Theo công cụ CME FedWatch, các thị trường đang dự đoán 60% khả năng FED có thể cắt giảm lãi suất ít nhất 100 điểm cơ bản vào cuối năm 2024.

Ông nói: “[Lãi suất] không có tác động đến toàn bộ nền kinh tế và thị trường chứng khoán như nhiều người nghĩ”. Đồng thời, ông lưu ý rằng GDP thực sự đã tăng tốc trong hai quý vừa qua mặc dù lãi suất trong nền kinh tế vẫn ở mức cao. “Lãi suất chỉ là một cơ chế trong một hệ thống rất lớn”, ông nói thêm.

Các nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi lãi suất sẽ giảm. Các nhà kinh tế từng cảnh báo bằng việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất lên mức kỷ lục có thể gây áp lực lên thị trường chứng khoán năm 2022 và có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Nhưng tỷ phú Fisher đã tự xếp mình vào hàng ngũ những nhà dự báo lạc quan nhất của Phố Wall trong năm. Vào cuối năm 2023, ông tin rằng thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng giá. Fisher viết trong một bài xã luận tháng 12 cho tờ New York Post rằng S&P 500 có thể đạt mức tăng khiêm tốn hai chữ số vào năm 2024, vì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát hạ nhiệt cho thấy nền kinh tế cuối cùng sẽ tránh được suy thoái.

Ông Fisher cho biết, con đường tăng trưởng có vẻ rất rõ ràng. Chỉ khi nào một sự kiện thiên nga đen “cực lớn, bất ngờ” mới có thể cản trở đà phục hồi của chứng khoán.

Các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào thị trường chứng khoán. Theo Khảo sát tâm lý nhà đầu tư mới nhất của AAII, hơn 50% nhà đầu tư cho biết họ cảm thấy lạc quan về cổ phiếu trong 6 tháng tới. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát của Yale, hơn 80% nhà đầu tư cá nhân tin rằng chỉ số Dow Jones sẽ có một năm tăng cao.

Nguồn: MI

Scroll
091.888.5651
0918885651